Bên cốc cà-phê sáng – 20190701
Nguyễn Hữu Nghĩa
Tôi không có duyên với thể thao, thể dục, dù thời tiểu học cũng chạy theo trái banh y như mọi nhóc mê túc cầu hay bóng tròn mà sau này gọi là bóng đá.
Mê đấy, có điều tay chân tôi không khéo léo. Tay thì cứ chạm vào banh, bị phạt “main” lia chia. Chân thì cứ lừa banh ngay vào chân người khác để …cúng dường. Chưa có banh trong chân mà cứ cắm đầu cắm cổ chạy tuốt qua khỏi hàng tiền vệ của đối phương để bị phạt “hors-jeu” – việt vị. Có điều tôi rất siêng chạy. Chạy như thằng điên ngoài sân, thấy banh là đâm sầm ào ào chạy tới rất nhanh khiến đối phương luống cuống giao banh bậy bạ cho bồ nhà tôi xớt.
Bởi vậy cho nên trong đội bóng của trường nhà, tôi luôn luôn được ân huệ xếp vào toán …dự bị, chờ có thằng nào lọi cẳng lết hết nổi thì thế chỗ. Nhưng thầy thể thao vốn cẩn thận, xếp tôi vào hạng chót trong danh sách dự bị, mà bạn bè tôi ham banh, dù chân đau mấy vẫn không chịu “bỏ đảng” nên tôi cứ ngồi chơi xơi nước dài dài…
Nhưng rồi cũng có một hôm, trải qua bao nhiêu tháng trường chờ đợi mỏi mòn, tôi cũng được ra sân, lại là trận chung kết tiểu học toàn tỉnh, thế mới oách! Lúc đó chỉ còn 3 phút phù du mà hai bên vẫn giữ tỉ số 0-0. Tôi được xếp vào hàng hậu vệ. Khoái thật, vừa nhào ra thì banh xuống tới liền. Thằng trung phong đoạt được banh, biết không giữ nổi liền giao cho tôi. Thấy ba bốn thằng địch hầm hè vây khổn chung quanh như mấy thằng ăn cướp, và một thằng nhào tới, tôi hoảng hồn “sút” banh cho thằng thủ môn. Không biết thằng khỉ hôm đó quờ quạng hay vì tôi đá mạnh quá, nó chụp không kịp, trái banh lọt tuốt vô gôn… nhà! Mấy thằng “địch” sướng quá nhào tới đòng đòng tôi lên vai, trong khi cả trường tôi xám mặt.
Đó là lần duy nhất tôi được vào sân chơi, lần duy nhất đá lọt lưới và lần duy nhất được công kênh tưởng thưởng. Chỉ tiếc là cái đám công kênh tôi lên không phải đội của tôi! Từ đó tên tôi biến mất khỏi bảng phong thần. Thầy thể thao nói: “Mầy tập quần vợt đi. Môn đó không có… gôn nào hết, khỏi sợ đá lộn!”
Xí! Chuyện đó xưa rồi. Giờ nói chuyện thời nay…
Dạo sau này tôi hay tới phòng tập thể dục, gymnasium, gọi tắt là “gym.” Phòng tập của YMCA – Young Men’s Christian Association, hội của các đấng con chiên trẻ, gọi tắt là “the Y”.
Tuy cái tên có mùi phân biệt tôn giáo và kỳ thị …cao niên, nhưng chẳng ai hỏi chứng chỉ rửa tội hay nhìn vào cái “căn cước” tuổi tác trên đầu ai bao giờ. Canada mà, đâu phải xứ Mỹ thời “great again”! Chỉ cần mua thẻ hội viên, mỗi tháng 80 gia kim, muốn tới 30 hay 31 ngày trong tháng và mỗi ngày mấy lần cũng được. Cái “the Y” gần nhà tôi mới toanh, có 3 cái hồ bơi to tướng, một sân chạy 100 mét, 4 phòng chơi bóng rỗ và cũng là chỗ tập thể dục đồng diễn, ba bốn phòng thể dục có huấn luyện viên hướng dẫn và đâu chừng 100 cái máy đủ loại, chèo thuyền, đi bộ, trượt tuyết, trượt băng, leo núi, cử tạ, xe đạp, yoga, v.v và v.v
Ở đây nam nữ, già trẻ tập chung, và số người chiếm máy không tới 30%. Không ai phải xếp hàng chờ đợi. Không ai nhìn ai, trừ nhân viên của “the Y” thỉnh thoảng đi rảo một vòng xem có ai cần giúp, hay có ai nằm “nghỉ” lâu quá mà chưa chịu chứng tỏ còn… thở…
Có nhiều lý do khiến tôi đi tập thể dục.
Thứ nhất, để… khỏi mua quần mới. Cứ lên cỡ là phải mua. Chẳng những mua quần mà còn phải mua cả dây nịch nữa mới là phiền. Để tiền mua quần mà đóng «thể phí», hợp lý hơn và rẻ hơn!
Thứ hai để chống nạn ba cao: cao đường, cao mỡ, cao máu. Tim mạch của tôi còn như thời 30 nhưng mỡ và đường đã lên tới đỉnh của mức trung bình. Hư quá! Phải khống chế và đàn áp chúng nó. Ăn uống thì chỉ cần dùng đường lá steva thay đường thường, và ăn bớt mỡ, tập thể dục lơ vơ 30 phút mỗi ngày, có «thánh» Y làm chứng, thế thôi. Sau một năm gặp «lực lượng kháng chiến», hai thằng đường, mỡ đã lui quân về mức giữa, nhưng tôi vẫn giữ thói quen đi tập, nhất là mùa đông, vùng này không đủ tuyết để …đẩy máy xúc!
Lý do thứ ba là bạn bè hay rủ đi leo núi và săn ảnh. Săn ảnh thì vui, nhưng vác theo 25 kí máy móc, ống kính, dụng cụ trên người để leo dốc rồi mới săn ảnh thì …không mấy vui. Hẹn nhau sang năm qua tận gần cực nam của Nam Mỹ, tôi đã phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, mỗi ngày mang ba lô nặng 25 kí, đi bộ 15 phút, rồi dần dần… leo thang chiến tranh, cả độ dài lẫn độ dốc…
Hôm nay, như thường lệ, ba lô lên đường. Đi được 5 phút, đột nhiên cảm thấy hơi đau gót. Tôi bỏ ba lô xuống, quyết định đổi món: chơi bóng rổ một mình.
Lâu lắm rồi tôi không chơi bóng rổ, tiếng chữ là lam cầu. Bóng rổ cũng có rổ ta, rổ địch ; thầy sợ tôi cứ nhè rổ ta mà liệng vô như hồi đá banh nên không cho tôi tập. Khi không có thầy, tôi tập một mình thì cả bọn bạn học đứng giám thị và chúng khẩu đồng từ phê bình sát rạc.
Ít khi trái banh tôi ném nó chịu ngoan ngoản chui vào rổ. Đợi banh lọt ra ngoài xong, cả lớp nhao nhao lên, than phiền:
– Rổ nhỏ quá!
– Rổ treo cao quá!
– Phải chi hổng cái vành thì nó vô rồi!
– Ai lấy kiếng bịt mất cái miệng rổ vậy ta?
Tôi chán mớ đời, không chơi môn đó nữa. Hôm nay trong gym, tôi thử lại sau một thời gian dài… xa cách. Banh do «the Y» cho mượn. Đưa thẻ ra đổi lấy trái banh. Chơi xong đem banh tới lấy lại thẻ. Tiện thế thôi.
Tôi cũng nhồi bóng vòng vòng cho quen tay, rồi ném. Vừa ném vừa đếm. Tới trái thứ 100 nó mới chịu từ tốn chui vô rổ thì tôi đã mệt đứ đừ. Thôi cũng được. Người ta bách phát bách trúng còn mình bách phát “dách” trúng, nói lẹ lẹ thì nghe cũng …như nhau. Để giữ “thành tích”, tôi ngưng ném, đi trả banh.
Bà cụ 40 ngồi ở quầy gần sân bóng chắc nãy giờ có theo dõi tài ném của tôi, vui vẻ hỏi:
– Ông chơi thích không? Mới thử lần đầu hả?
Tôi chợt nhớ lại chuyện hồi nhỏ, cười cười:
– Thích chứ! Thích lắm, nhưng cái rổ… nhỏ quá!
Nghe tiếng cười khúc khích đâu đó, tôi thêm:
– Mà lại treo cao quá!
Tiếng cười nổ ra huyên náo! Tôi cũng vui vẻ cười góp. Thế là được. Ai cũng vui. Thiên hạ cùng vui!
(nhn)