Tiểu Đăng
Hồi còn nhỏ, sau giai đoạn đọc tiểu thuyết chương hồi của Trung quốc (gọi tắt là truyện Tàu), tôi đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Nào “Thiếu lâm trường hận”, “Hỏa thiêu Hồng Liên Tự”, nào “Thập tam hồng nữ hướng mã”, “Phương Thế Ngọc đả lôi đài”,.. Còn nhiều nữa, chắc cũng phải đến vài chục bộ.
Xin nói ngay ở đây một kinh nghiệm bản thân: nhân vật, sự kiện, và niên đại lịch sử, học đi học lại mà quên vẫn hoàn quên; còn nhân vật và câu chuyện trong kiếm hiệp, thì chỉ coi một lần rồi nhớ mãi, có khi còn nhớ đến bây giờ.
So sánh riêng về sự “bịa đặt” những phương thức đánh nhau, giết nhau; kiếm hiệp ngày xưa chia làm hai loại. Một loại “ly kỳ” giống như chuyện của Kim Dung gần đây. Một loại dùng quyền cước và khí giới thông thường. Loại nào cũng hấp dẫn được độc giả. Loại ly kỳ giống phim “công phu” của Hồng Kông; loại thông thường giống phim võ thuật kiểu Lý Tiểu Long.
Nhưng gần đây, trong một số phim võ Hồng Kông, và cả một số phim võ của Âu Mỹ nữa, thỉnh thoảng có xuất hiện một vài nhân vật đánh kiếm theo kiểu Nhật: cầm gươm bằng hai tay, không múa nhiều đường, có khi chỉ cần một đường thần tốc, là hạ được địch thủ. Kiếm sĩ không diệu võ dương oai, chỉ điềm tĩnh chờ cơ hội vung đường gươm quyết định. Hoặc thắng, hoặc bại. Sống và chết, chỉ trong một đường gươm…
Đường gươm Nhật Bản được mô tả trong bộ Thạch kiếm của Tự Tỉnh.
Đây là một bộ truyện phóng tác, dài trên 1400 trang. Nguyên tác tiếng Nhật Musashi của Eiji Yoshikawa. Tự Tỉnh đã viết phỏng theo bản tiếng Pháp, La pierre et le sabre của Léo Delé.
Thạch Kiếm là “đá và gươm”. “Đá” chỉ tinh thần của người kiếm sĩ; “gươm” chỉ phương tiện đạt tới.
Thật ra, trong Thạch kiếm, “đá” và “gươm” chỉ là một. Đá được tôi luyện rất lâu, tôi luyện mãi; gươm chỉ ứng dụng nhất thời, đánh dấu từng bước tiến của sự tôi luyện. Gươm được vung lên, chưa đụng vào kẻ địch, nhưng ý chí quyết thắng của kiếm sĩ đã hạ được đối phương.
Nhưng xin nói trước, đọc hết bộ truyện, các bạn cũng sẽ không thấy rõ ràng chữ “thạch” ở đâu, mà chỉ thấy rõ chữ “kiếm” mà thôi. Vì sao? Là vì “thạch” là phần ẩn tàng, là “tâm”, có cùng khắp, nhưng không hiển hiện. Hiển hiện chỉ là phần “dụng”. Nhưng “dụng” xuất sinh từ “tâm”, nên phải có “tâm” mới có “dụng”. “Tâm chi dụng chi” là cái nguyên lý cần phải nắm cho được, để thấy cái hay khi đọc bộ Thạch kiếm của Tự Tỉnh.
Nhưng Thạch kiếm không chỉ đề cập đến kiếm thuật. Trong bộ truyện, cũng có đủ thất tình, lục dục. Cái cao thượng lẫn lộn với cái đê tiện; cái dũng cảm đứng cạnh cái hèn nhát; cái chung thủy có dịp nổi rõ trên những cái phản trắc… Một Thạch Đạt Lang đáng kính luôn luôn vướng víu với một Hà Mãn Chí đáng khinh; một Cát Xuyên Mộc kiêu căng nhưng dũng cảm bên cạnh đám lãnh tụ Hoa Sơn mưu lược nhưng đốn hèn; một nàng Oa Tử vị tha chung tình bên cạnh một cô A Kế Mỹ chỉ biết có sướng thân…
Trong truyện, nhân vật chính Thạch Đạt Lang tức Thạch Điền Đạt Lang, tức Thạch Kinh Tử. Chàng là một cái gương của sự tu tâm luyện tính. Chính nhờ sự tự tu tự luyện mà chàng đã trở thành một chính nhân, một kiếm sĩ siêu đẳng, đã hạ được Giang Biên Liễu Cát Xuyên Mộc. Trong cuộc so kiếm một mất một còn ở những trang cuối sách, cái “tâm” và cái “dụng” của Thạch Đạt Lang đã hòa làm một. Lưỡi kiếm là chàng, chàng đã biến thành lưỡi kiếm. Và chỉ có thắng. Và chàng đã thắng. Rồi nhảy lên thuyền, bỏ đi…
Bộ Thạch kiếm có vài điểm khiến người đọc nhớ lại truyện của Kim Dung: chính cái khác nhau gợi nhớ, chớ không phải cái giống nhau.
Bạn nào có đọc Tiếu ngạo giang hồ, hẳn còn nhớ Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn, sáng tạo những chiêu kiếm có tên rất hay, như “lãng tử hồi đầu”, “thương tùng nghinh khách”… Những cái tên ấy mê hoặc người đọc, nhưng không cho người đọc biết tác dụng những chiêu kiếm ấy ra sao. Trong Thạch kiếm, tay kiếm thượng thặng Cát Xuyên Mộc có ngoại hiệu là “Giang Biên Liễu”, vì khi luyện kiếm, y đã dùng mũi kiếm hớt đứt từng chiếc lá liễu ở ven sông. Nhắm lá nào thì đúng lá ấy, như ngày xưa Dưỡng Do Cơ ngoài trăm bước, dùng những mũi tên tiện đứt những lá dương vậy. Nhưng lá liễu vẫn còn dễ cắt, vì là vật tĩnh. Không dừng lại ở đó, Cát Xuyên Mộc tiến lên, dùng kiếm chém những con én đang bay. Xác độ đạt đến chỗ trăm lần như một, đến nỗi thiên hạ xưng tụng lưỡi kiếm của y là “trảm nhạn kiếm”.
Nhưng cuối cùng, Cát Xuyên Mộc vẫn phải thảm bại dưới tay Thạch Đạt Lang. Đây, mời các bạn nghe đoạn cuối:
-…mắt Thạch Đạt Lang đổi sang màu hổ phách. Tâm trí hắn cùng bao nhiêu thớ thịt đường gân, cả đến từng sợi tóc móng chân trên người, tất cả đều nhập làm một trong một nỗ lực phi thường và duy nhất để tranh thắng.
Thạch Đạt Lang bỗng thấy người nhẹ hẫng. Như kẻ xuất thần, hắn không còn cảm thấy mình đứng trên đất liền nữa mà như đã hòa với tâm ý bay cao.
…
Thạch Đạt Lang ngước nhìn trời. Hắn sực tỉnh bước lại gần thi thể địch thủ. Cát Xuyên Mộc nằm nghiêng, trên mặt hai dòng máu đặc chảy từ tai và mũi xuống, loang dần trên nền cát ướt…
Bộ truyện kết thúc cùng với trận tử chiến. Cát Xuyên Mộc vĩnh viễn nằm xuống, nhưng Thạch Đạt Lang lại ra đi, tiếp tục cuộc đời kiếm sĩ…
Văn của Tự Tỉnh trong Thạch kiếm có nhiều chỗ giống như lối “tỉnh văn” ngày trước, lời ít ý nhiều, đọc rất thú vị.
Tiểu Đăng