Tiểu Đăng
Cuốn sách này tôi đọc đã lâu, thấy thú vị, đã mấy lần tính đưa ra nhận xét, nhưng rồi lại thôi. Sự ngần ngại của tôi có lý do thực tế: thú chơi cây cảnh là thú riêng của những người cao niên; chơi bonsai lại càng ít người; một cuốn sách nói về bonsai chắc kén độc giả; vậy, một bài nhận xét về cuốn sách ấy, liệu có ai đọc hay không?
Trước đây (có lẽ cũng đã ba năm), tôi có được đọc trên tạp chí Làng Văn (không nhớ là số nào), một bài nói về cái thú chơi cây cảnh. Tôi không nhớ tựa, nhưng vẫn còn nhớ rõ tên người viết: Khổng Trọng Hinh. Lý do khiến tôi nhớ cũng dễ hiểu: anh Hinh là bạn đồng tù với tôi ở trại giam Long Thành khoảng 1975-1976. Hồi ấy, có lẽ anh chưa đến ba mươi. Khi viết bài báo kia, chắc tuổi anh cũng chưa tới năm mươi.
Ban đầu, tôi đọc bài báo là vì tò mò. À, anh bạn trẻ, đã gần hai chục năm mới gặp lại! Anh còn trẻ, sao lại bàn về cái thú chơi của người già? Nhưng khi đọc xong bài báo, tôi thấy anh bạn trẻ của tôi là người rất “sành điệu”, hoặc ít nhất, cũng nói ra được những điều đáng nói về một thú chơi. Nhưng sau, trái với sự mong ước của tôi, anh không viết tiếp bài nào nữa.
Người xưa có câu “vô tri bất mộ”, nghĩa là phàm cái gì không hiểu thì không thích. Trong trường hợp của tôi, thì rõ ràng ngược lại. Tôi biết rất ít về cây cảnh, nhưng lại thích ngắm nhìn cây cảnh, đọc sách nói về cây cảnh. Khi đọc cuốn Kỹ thuật Bonsai, tôi gặp lại sự thích thú khi đọc bài viết của Khổng Trọng Hinh.
Rồi mới đây, sau một cơn trọng bệnh, tôi được thầy thuốc khuyên nên tập thể dục cho nhiều. Bên ngoài trời lạnh, đường lại trơn trợt, tôi thường vào các trung tâm thương mại để tản bộ.
Một hôm, đi mỏi chân, tôi ngồi nghỉ ở một chiếc băng đá, nơi chiếc cầu nối liền hai trung tâm. Trước mặt tôi là những chậu hoa, thật cũng có, mà giả cũng có. Người bán đang tưới nước, có lẽ chỉ cho hoa thật. Khách mua không thấy một ai. Người qua lại, ai cũng bước vội, không ai dừng lại. Bỗng có một ông cụ người da trắng, tuổi chừng ngoài tám mươi, nhưng trông còn khỏe mạnh, đi với một cậu bé cũng da trắng tuổi chưa đến mười lăm. Cậu bé gọi ông cụ là “ông”, bảo “hôm nay có tiền, ông mua cho con cây bonsai đã chọn bữa trước”. Cụ già bảo “được”, rồi gọi người bán hàng.
Người bán đi vào bên trong, bưng ra đặt lên bàn ngoài một chậu. Đây là một cây phong cao chừng 4 tấc, tàn rộng chừng 6 tấc, không biết tuổi đã cao chưa, nhưng trông cũng có vẻ “cổ thụ” lắm. Khi nhận tiền, người bán hỏi đùa:
– Cây này cho cậu bé, còn cây nào cho cụ?
Cụ già vỗ vai người bán, cười rất vui:
– Thằng nhỏ này 12 tuổi, nó già sớm nên thích chơi bonsai, tôi mua cho nó một cây “thiếu nhi” như nó. Cây này có già lắm cũng chỉ 4 năm, phải không? Ở nhà, tôi có trên 20 cây, nhưng cây già nhất cũng chỉ mới bằng nửa tuổi tôi. Ông kiếm đâu được cho tôi một cây, cây gì cũng được, bằng tuổi tôi, thì ông tính bao nhiêu tôi cũng chịu.
– Nay cụ bao nhiêu?
– Tám mươi sáu.
* * *
Tối hôm ấy, tôi lấy cuốn Kỹ thuật Bonsai của Nguyễn Nhật Tân ra đọc lại. Bây giờ, xin nói chuyện với các bạn về cây cảnh, về bonsai, và về cuốn sách…
Chơi cây cảnh là cái thú “làm chủ thiên nhiên”, có được một số cây, một số hoa, thuộc riêng về mình, tùy thuộc vào mình. Ngoài thiên nhiên, trong rừng chẳng hạn, có hoa đấy, có cây đấy, nhưng những hoa những cây kia là của trời đất, của mọi người. Chúng mọc, chúng phát triển, đâm hoa kết trái, ngoài sự can thiệp của con người. Người chơi cây cảnh không chịu như vậy. Họ phải tìm cách chi phối, nên cây cảnh được tạo ra.
Những cây chơi dáng, chơi lá, chơi hoa, nói chung cũng vẫn chịu sự uốn nắn của người chơi cây cảnh. Nhưng tiến trình phát triển của chúng không bị dồn nén thái quá. Là vì các loại cây cảnh thông dụng là những loại cây nhỏ. Đây là điểm khác căn bản giữa cây cảnh thường và bonsai.
Bonsai cũng là một loại cây cảnh, nghĩa là cây trồng để chơi, nhưng vốn là cây to, ngoài thiên nhiên có thể cao đến 10 thước, bây giờ trong tay người chơi, sau mấy chục năm, cũng chỉ cao có nửa thước thôi. Như thế, chơi cây cảnh là “chiếm hữu thiên nhiên”, chơi bonsai là “thu nhỏ thiên nhiên”.
Con người lúc nào cũng có một tâm lý lạ: thích cái thật to và thích cái thật nhỏ. Ngắm cảnh hùng vĩ của núi sông xong, lại đưa cảnh rộng lớn ấy vào một bức tranh, một tấm hình. Người ngắm tranh, ngắm hình, nhờ trí tưởng tượng, cảnh hùng vĩ kia lại được tái tạo… Có lẽ bonsai cũng gây được ảnh hưởng tương tự. Cho nên, người không có óc tưởng tượng phong phú, không thích nhìn những cây bonsai; nhìn cũng không thấy thêm được gì ngoài cái hình dáng cụ thể của chúng.
Có người so sánh thú chơi bonsai với thú chơi giả sơn. Tôi cho là không thể so sánh như thế được. Một hòn núi giả, tuy cũng gợi được trí tưởng tượng, nhưng nó hoàn toàn nhân tạo, nó là một câu chuyện thần thoại. Còn một cây bonsai là một thực thể của thiên nhiên, bàn tay con người chỉ đóng vai nhuận sắc, nó là một bài phóng sự mà người viết đã cố làm cho gần gũi với độc giả.
Bonsai viết ra chữ Hán là “bồn tài”, có nghĩa là “cây trồng trong chậu”. Người Nhật hay dùng chữ này, trong khi người Tàu hay dùng chữ “bồn cảnh”…
Nguyễn Nhật Tân là người chơi bonsai có kinh nghiệm. Ông lại là nhà văn kiêm họa sĩ. Các bạn sẽ nhận ra ba tư cách này của ông hiển hiện trong cuốn Kỹ thuật Bonsai: hướng dẫn đầy đủ; lời lẽ mạch lạc, thú vị; minh họa tận tường.
Xin mời các bạn đọc mấy hàng mở đầu cuốn sách:
Khoảng ba mươi năm trước, nhân dịp qua Nhật, vừa bước chân xuống phi trường, tôi đã ngạc nhiên thích thú khi được trông thấy một cây bonsai trưng bày ngay tại phòng khánh tiết.
Đó là một cây tùng gốc bằng cổ chân và cao độ nửa thước, thân nứt nẻ mang nhiều vết sẹo chứng tích của thời gian, lại có đôi ba cành gãy còn sót lại như bị sương tuyết gió mưa vùi dập đã lâu lắm. Vậy mà lá nó vẫn xanh tươi làm sao! Búp non trổ mơn mởn. Rõ ràng là hình ảnh một quốc gia bị tàn phá mà không chịu khuất phục.
Các bạn hãy để ý câu cuối cùng. Tác giả nhiều tưởng tượng, hay bất cứ ai, khi nhìn thấy cây tùng kia, cũng đều nghĩ như vậy?
Ấy, cứ thế, tác giả dùng cảm quan riêng của mình, dẫn độc giả đi vào đám cây bonsai. Vừa đi vừa giảng giải. Và tác giả giảng rất gọn, nhưng đủ để hiểu những điều mấu chốt. Hãy nghe vài ý chính:
– Bonsai không phải là thứ cây trồng trong nhà.
– Nếu muốn trồng bonsai có hoa hay quả thì cũng phải chọn giống hoa, quả nhỏ vì hoa quả rất khó làm nhỏ lại để hòa hợp với hình thể cây.
– Thân và cành lá phải hòa hợp nhau tạo một hình thể ưa nhìn. Hòa hợp không có nghĩa là đối xứng, bên này bằng bên kia hoặc cành lá tỏa đều đặn. Sự đối xứng, đều đặn dễ làm buồn tẻ.
– Nói thế không có nghĩa là cứ phải áp dụng cứng ngắc cách xếp đặt cành lá theo luật Thiên Địa Nhân. Bonsai là một hình thức nghệ thuật tạo hình mà! Quyền sáng tạo là ở bạn! Nhưng khoan! Bạn có óc nghệ sĩ muốn cây của bạn có một phong thái riêng, không gò bó. Tốt lắm! Nhưng xin chớ quên bonsai là một vật sống, đừng hôm nay bẻ cành nó theo hình này, hôm sau lại uốn nó ra hình khác.
Tưởng bao nhiêu đó cũng tạm đủ làm một khái niệm căn bản cho một người bắt đầu chơi bonsai.
Những trang tiếp theo sẽ trình bày cho chúng ta thấy những dáng bonsai đẹp. Dáng nào tên nấy. Tên cũng đẹp như dáng: dáng cây thẳng đứng, thì gọi là “trực cán”; cây cong dáng vững, thì gọi là “lập mộc”; dáng thẳng thế nghiêng là cây “tà cán”; gốc vặn thân vặn là cây “bàn cán”; một đứng một nghiêng là cây “song cán”; hai thân cùng đứng là cây “song thụ”; cây sà xuống thấp, gọi là “huyền nhai”; ngọn thấp ngang gốc, gọi là “bán huyền nhai”; thân gầy lá ít là “văn nhân mộc”; rễ nổi cả lên là cây “căn thượng”; rễ ôm lấy đá là “thạch thượng thụ”; nhiều cây cạnh nhau là “mật thực”.
Đến đây, nếu bạn bắt đầu thấy thích bonsai, thì đọc tiếp. Tác giả sẽ hướng dẫn chúng ta đi vào cụ thể:
– Nơi tìm bonsai.
– Cách trồng vào chậu.
– Cách uốn, cắt, tỉa.
– Cách chăm sóc.
– Cách giữ bonsai qua mùa đông.
Cuối cùng, là những hướng dẫn căn bản để thẩm định giá trị một cây bonsai…
Nhan đề cuốn sách có chữ “kỹ thuật”, và nội dung chủ yếu là hướng dẫn về cách thức chơi bonsai. Phàm cái gì nặng về cách thức, thì nhẹ về thi vị. Nhưng đây đó trong cuốn sách, các bạn sẽ gặp được những nét đẹp mà chỉ tâm hồn mới cảm thấy. Ở phần nói về dáng bonsai “bàn cán”, tác giả viết: “Thế này mang một vẻ đẹp hoang dại đến đau thương, nhìn dễ xúc động nhưng không gây cảm giác thoải mái”.
Tôi đột nhiên nghĩ đến Đào Uyên Minh trong thơ Đường, chẳng biết vì sao.
Nhưng, đọc đến mục “Tìm bonsai ở đâu”, tôi gặp lời khuyên này: “Hơn nữa, ở những nhà trồng tỉa này, có những cây lâu ngày không bán được, mưa nắng khiến lá cành xơ xác, chủ để riêng một góc sau vườn để bán sale. Đừng ngại gì mà không tới tham quan, nhiều khi vớ được những cây đặc sắc vô cùng (và khi trả tiền không xót ruột).
Tôi lại đột nhiên nhớ ra tác giả đang có cái sở thích bị hạn chế bởi túi tiền, đang nói chuyện với những ai cùng sở thích, cùng cảnh ngộ.
Bonsai đối với chúng ta bây giờ là “những tâm hồn trong thực dụng”.
Tiểu Đăng