Trần Văn Tích
Điều thiếu Nhóm biên soạn Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, in lần thứ hai (có sửa chữa), nhà xuất bản Văn học, Hà nội, 1977, tr.93-94, khi chú thích bài Hoài đệ hữu cảm, câu Chiết mai dục bã gia thư ký (bẻ cành mai, toan đem gửi thư nhà) giảng rằng:
“Cổ thi có câu: “Chiết mai phùng dịch sứ, kỳ dữ lũng đầu nhân” nghĩa là “Bẻ cành mai gặp người coi trạm, gửi cho người bờ non. Ở đây ý nói muốn gửi thư.”
“Câu cổ thi” mà nhóm biên soạn đơn cử nguyên là hai câu trong bài ngũ ngôn tuyệt cú của Lục Khải (198-269), tự Kính Phong, quê ở Ngô quận:
Chiết mai phùng dịch sứ, Ký dữ Lũng Đầu nhân.Giang nam vô sở hữu,Liêu tặng nhất chi xuân.
Từ Giang nam xa xôi (giang nam nghĩa là phía nam sông, sông đây là sông Dương tử), Lục Khải bẻ một cành hoa xuân nhờ ngưòi phu trạm mang biếu bạn ở Trường an, tỉnh Thiểm tây, kèm theo bài thơ trên. Nguyên tác bài thơ được ghi trong Kinh châu ký. Lũng Đầu là địa danh, không phải “bờ non” như được chú thích, bởi thế, phải viết hoa. Và câu “cổ thi” thứ hai bắt đầu bằng chữ ký (dấu sắc) nghĩa là gửi, chứ không phải kỳ (dấu huyền) như đã in nhầm. Tân Nhạc phủ đời Nam Bắc Triều có Cổ giác hoành xuý khúc với bài Lũng Đầu ca mô tả tình cảnh binh lửa biên tái và phản ảnh phong cách sống cương cường bi tráng của người dân du mục hiếu chiến phương Bắc:
Tây thượng Lũng phản,Dương trường cửu hồi,Sơn cao cốc thâm,Bất giác cước toan.
(Trèo lên phía tây núi Lũng,Núi như ruột dê chín khúc,Núi cao hang sâu,Bất giác chân tê mỏi).
Bài từ theo điệu Mộc lan hoa của Ấn Thù (991-1055) cũng mở đầu bằng câu:
Lũng đầu ô yết thuuỷ thanh phồn(Tiếng nước róc rách chảy từ Lũng đầu)
Bài từ theo điệu Cổ đảo luyện tử của Hạ Chú (1052-1125) có câu:
Tưởng kiến Lũng đầu trường thú khách,Thụ y thời tiết dã tư gia.
(Tưởng chừng thấy người chinh phu ở Lũng đầu,Lúc nhận được áo cũng nhớ nhà).
Điều sótTrên Làng Văn số 150, tháng 2.97, Giáo sư Lê Hữu Mục nhân bàn về chữ nôm trong Truyện Kiều, ở trang 30, cột trái, đoạn đầu cột, cho rằng: “Người miền Trung nói chung và người vùng Nghệ Tĩnh nói riêng, không phân biệt /c/ và /t/ cuối, bởi vậy lắt/lắc là một từ.”
Là người miền Trung, tôi hơi thắc mắc khi đọc điều khẳng định nầy. Dân Quảng trị chúng tôi, khác với dân Huế, phát âm các từ có “c” hay “t” ở cuối chữ rất khác nhau. Bởi thế, trên đặc san Hương quê xuân Mậu Dần 1998, tác giả Tuệ Chương mới kể rằng khi còn học lớp nhất tiểu học ở Quảng trị, thầy giáo Hồ Đắc Hanh người Huế đã bất sỉ hạ vấn hỏi trò Tuệ Chương là trong hoạt bát, “chữ bát, chữ cuối t hay c.”
Cũng trong cùng bài viết, Lê Giáo sư cho rằng (tr. 32, cột giữa, đoạn cuối cột): “Từ mlác cổ đẻ ra hai từ chính là lác và nhác, riêng lác được viết là (mục + các > lác). Chữ nầy không thấy có trong bất cứ từ điển nào, kể cả nôm và hán, (…).”
Thật ra một số từ điển nôm và hán có ghi chữ liên hệ:
1) Vietnamesisch-Deutsches Woerterbuch (Tự điển Việt-Đức), Otto Karow biên soạn, Otto-Harrassowitz, Wiesbaden, 1972, ghi ở phần Liste der Nôm-Zeichen, tr. 1032, cột giữa thứ nhất (tự điển in thành bốn cột) và phiên là nhác.
2) Khang Hi tự điển ghi ở bộ mục, phần sáu nét, và phiên thiết là lô các, lịch các, âm lạc (chữ lạc nghĩa là rụng).
3) Trung văn đại từ điển, Lâm Duẩn, Cao Minh chủ biên, Trung quốc Văn hoá Đại học xuất bản xã, Đài bắc, Đài loan, Trung hoa Dân quốc thất thập tứ niên, quyển 6, tr. 9956, mục từ 23847 và phiên thiết là lịch các, lực chước.
4) A Chinese-English Dictionary, Herbert A. Giles, Second Edition. Shangai. 1912. Reprinted by Ch’eng-wen Publishing Co. Taipei. Taiwan. 1978. tr. 492, mục từ số 7568. Phần phát âm ghi “R.”, phần phiên âm ghi /lueh/, phần định nghĩa ghi “To look at sidelong, to ogle”. Như vậy cũng đọc là lạc.
5) Đại Hán-Hoà từ điển, quyển 8, tr. 8346, mục từ 23282.
Nhưng các từ điển phổ thông (ví dụ Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Hầu Hàn Giang) cũng như một số từ điển ngoại ngữ thông dụng (ví dụ Mathews’ Chinese-English Dictionary, Dictionnaire francais de la langue chinoise préparé par l’Institut Ricci) đều không có từ liên hệ. Ngay cả Từ hải cũng không ghi. Có lẽ Giáo sư Lê Hữu Mục đã chỉ tham khảo các loại từ điển / tự điển nầy.
Điều ngờ
Khi dịch thơ Đường, Tản Đà đôi lúc có chú thích. Trên báo Ngày nay số 137, ngày 19.11.1938, dịch câu thơ Bá năng khổ hề mai năng toan trong bài Sinh ly biệt của Bạch Cư Dị thành Sung ăn thời chát, mơ thời chua sao! và câu Mai toan bá khổ cam như mật cùng bài thành Mơ chua, sung chát như là mật ngon; Tản Đà chú như sau: “Chữ sung đây là dịch ý chữ bách trong nguyên văn, vì chữ bách là một thứ cây cao mà quả đen, ăn thì chát, làm một vị thuốc được, có lẽ ở nước ta không thấy nói.”
Nguyễn Khắc Hiếu bên cạnh nghề cầm bút “Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng” khi gặp khó khăn tài chánh còn kiêm thêm mở lớp dạy quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng, xem cả lý số Hà lạc, nhưng nhà thơ không hành nghề y nên mới thiếu quyết đoán khi chú thích chữ bá. Bá là hoàng bá, vị thuốc được thầy Ngang kê toa chữa bệnh mù loà cho Lục Vân Tiên:
Huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm,Gia vào cho bội nhiệt tâm mới bình.
Công năng dược học đó từng được Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của ghi nhận: “Huỳnh bá: thứ cây mỏng vỏ mà vàng như nghệ, vị thuốc giải nhiệt.”
Howard S. Levy (Translation from Po Chu-I’s collected works. Volume I. Paragon Book Reprint Corp. New York 1971. p. 99) gọi bá là yellow tree và dịch hai câu thơ chúng ta đang bàn như sau:
Eating the yellow tree is not easy, eating the plum is difficult; the yellow tree can be bitter, the plum can be sour.
(Ăn hoàng bá không dễ, ăn mơ thì khó
Hoàng bá có thể đắng, mơ có thể chua).
và:
The sourness of plum and the bitterness of yellow tree are as sweet as honey.
(Vị chua của mở và vị đắng của hoàng bá không ngọt như mật).
Cây hoàng bá có thể cao tới 20-25 mét, quả chín màu tím đen, có tên khoa học là Phellodendron amurense Ruprecht. Khi viết “có lẽ ở nước ta không thấy nói”, có lẽ Tản Đà muốn nói: có lẽ ở nước ta không có. Điều nghi vấn nầy đúng. Vị thuốc bắc hoàng bá chúng ta còn phải nhập cảng, tuy đã bắt đầu di thực được.
Chuyện kỳ Ông Hoàng Xuân Nhị (1914-1990) là một “Việt kiều yêu nước”. Năm 1946 ông về nước tham gia kháng chiến, làm Giám đốc sở Giáo dục, Viện trưởng Viện Văn hoá Nam bộ. Sau hiệp định Genève, ông là giáo sư Chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà nội. Ông là người đầu tiên soạn bộ Lịch sử văn học Nga Xô viết, 5 cuốn. Ông giới thiệu với độc giả Việt nam các tác giả Nga nổi tiếng như Maxime Gorki, Maiakovski; đồng thời dịch thuật một số công trình về mỹ học Mác-Lênin.
Ở ông, khuynh hướng gắn việc nghiên cứu học thuật với việc phát huy đường lối văn nghệ phục vụ chính trị thể hiện rất rõ qua một số tác phẩm lý luận như Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch, Chống tư tưởng tư sản phản động hiện đại trong mỹ học và văn học nghệ thuật. Chẳng hạn ông cho rằng thơ “Bác” tập cổ thơ Đường nên có nhiều bài, nhiều câu giống hệt hay rất giống thơ Đường. Ý ông muốn nói “Bác” không có đạo văn đâu! Ông cũng dịch Chinh phụ ngâm, Tỳ bà hành, Cung oán sang tiếng Pháp. Cung cách dịch của ông rất… hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phần mở đầu khúc ngâm về người chinh phụ, câu Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt, được traduire như sau (ông dùng chữ nầy ít nhất hai lần trong lời tựa, như vậy ông không phóng tác mà dịch hẳn hoi): Sur la Grande-Muraille, le tam-tam résonne, semant l’alarme dans les coeurs, mais la lune est impassible derrière l’écartement des feuilles!
Chẳng biết ông Hoàng móc đâu ra tác dụng gây báo động trong lòng người của tiếng trống cùng với cảnh ánh trăng thản nhiên lạnh lùng chiếu qua kẽ lá!
Câu tiếp, Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây, được chuyển thành Une fumée couleur de sang monte, peréant la nuit pâle, serpent sinistre et sinistre signal! Làn khói màu máu bốc cao, đâm thủng màn đêm mờ nhạt, uốn khúc như mãng xà bất tường và tín hiệu bất tường!
Cả Đặng Trần Côn lẫn Đoàn thị Điểm chắc cùng phải cúi đầu bội phục cung cách thưởng ngoạn thi ca theo mỹ học Mác Lênin!
Votre mère vous attend au seuil de la porte;Chaque soir, elle joint les mains et prie pour vous.Et l’enfant balbutie déjà votre nom.Il vous réclame souvent, et souvent je dois mentir;Je lui dis que vous êtes allé cueillir des étoiles.Il me demande: “C’est loin, d’ici jusqu’aux étoiles?”Je lui réponds “c’est loin”, et le serre contre mon coeur. (2)
Người đọc chỉ có thể đoán chừng là dịch giả (?) chuyển nghĩa mấy câu:
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Áng chừng như thế thôi, vì nguyên tác cả nôm lẫn hán đâu có hề nói đến miệng hài nhi bập bẹ tên chàng hay đòi chàng, khiến thiếp đành nói dối là chàng đi kiếm sao trên trời!
Về chính trị ông Hoàng là “Việt kiều yêu nước”, về văn học, ông Hoàng xứng danh Vịt cừu yêu quái!
Chuyện ngộ The pepper plant The fruit of pepper plant Is so luxuriant, The woman there Is large beyond compare. O pepper plant, extend Your shoots without end! The pepper plant there stands; Its fruit will fill our hands. The woman hereIs large without a peer.O pepper plant, extend Your shoots without end!
Bài thơ tiếng Anh nầy là phần dịch chương Tiêu liêu, thiên Đường phong của Kinh Thi, bản do Hứa Uyên Xung chuyển sang Anh ngữ và Khương Thắng Chương biên hiệu, Hồ nam Xuất bản xã, 1995, tr. 213. Nhân vật chính của bài thơ là một phụ nữ (the woman). Trong bản dịch tiếng Pháp của S. Couvreur S.J. (Cheu King, Kuangchi Press, Taichung, 1967, p. 124) thì nhân vật chính lại là hoàng tử (ce prince) Hoàn Thúc nước Khúc ốc:
- Le poivrier, de plus en plus fertile, donne assez de fruits pour remplir un dixième de boisseau. Ce prince n’a pas d’égal en grandeur, en puissance. Oh! le poivrier étend loin ses branches!
- Le poivrier, de plus en plus fertile, donne assez de fruits pour remplir les deux mains réunies. Ce prince est grand, puissant et libéral. Oh! le poivrier étend loin ses rameaux!
Tạ Quang Phát dịch sang tiếng Việt dùng một danh từ trung tính, không định rõ là nam hay nữ:
Tiêu liêu chi thực,Phồn diễn doanh thăng.Bỉ kỳ chi tử,Thạc đại vô bằng.Tiêu liêu thư!Viễn điều thư!Tiêu liêu chi thực,Phồn diễn doanh cúc.Bỉ kỳ chi tử,Thực đại thả đốc.Tiêu liêu thư!Viễn điều thư!Trái cây tiêu,Đơm rườm rà, trái đầy thăng.Người kia ấy,Vĩ đại và không ai sánh bằng.Cây tiêu ấy thay!Cành dài thay!Trái cây tiêu,Đơm rườm rà hái đầy bụm.Người kia ấy,Thật là vĩ đại và lại đôn hậu.Cây tiêu ấy thay!Cành dài thay! (3)
Dùng danh từ trung tính như Tạ Quang Phát là theo chú giải của Chu Hy vì nhà đại nho đời Tống cho rằng không biết chương Kinh Thi nầy đề cập đến nhân vật lịch sử nào. Nhưng, đáng chú ý hơn là phần chú thích tiếng Anh của Hứa Uyên Xung: The productive pepper plant referred to a reproductive or fertile woman. That is the reason why a woman’s bedroom was called pepper chamber in Chinese. (Cây tiêu phì nhiêu nhằm chỉ một phụ nữ phồn thực và dễ thụ thai. Đó là lý do tại sao phòng ngủ phụ nữ được chữ Hán gọi là tiêu phòng.) Trong khi đó thì tất cả tài liệu tiếng Việt (từ điển, sách giáo khoa, sách biên khảo, sách dịch sang ngoại ngữ, v.v.) từ trước đến nay đều hiểu chữ tiêu phòng trong câu thơ đoạn mở đầu khúc ngâm Cung oán là buồng của các cung phi, hậu tần ở, có trát hồ tiêu ở vách cho ấm (và cho thơm). Tản Đà, chú thích chữ tiêu phòng trong câu thơ Tựu trung vân mạc tiêu phòng thân, bài Lệ nhân hành của Đỗ Phủ, cũng cho rằng tiêu phòng là “phòng trát vách bằng hồ tiêu, nơi ở của các hoàng hậu.”
Hoá ra qua chú thích của tác giả Trung hoa hiện đại họ Hứa, những lời giảng giải liên quan đến hai chữ tiêu phòng từ trước đến nay mà chúng ta từng quen thuộc và tưởng như đã trở thành kiến giải ổn định, bỗng hoá ra không đúng. Nhưng chưa chắc ông “đồng chí” nầy đã đáng tin!
Chuyện nhầmTrong Thơ văn Nguyễn Khuyến, nhà xuất bản Văn học, in lần thứ hai có sửa chữa, Hà nội, 1979, tr. 217 và Nguyễn Khuyến – tác phẩm, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Nguyễn Văn Huyền sưu tầm, biên dịch, giới thiệu, Hà nội, 1984, tr. 245, bài Dạ sơn miếu [Đêm trên núi (Mộ) Dạ] có hai câu 5 và 6:
Mai dịch khách lai phi tước hiệp, Tùng lâm vũ quá mộ nha hàn.
được cả hai tuyển tập cùng dịch giống nhau:
Khách qua dặm mai đến, đàn công dạn người,Mưa giội rừng thông, con quạ chiều rét mướt.
Phần dịch thơ chỉ có trong bản của nhà xuất bản Văn học, do Hoàng Tạo chấp bút:
Mai đưa khách lạ, đàn công dạn,Tùng gội mưa hôm, cái quạ rầu.
Có lẽ cần bàn thêm về cách hiểu hai chữ mai dịch. Không có nguyên tác chữ Hán dưới tay, tôi chỉ còn cách tra xem Trung văn có chữ dịch nào nghĩa là dặm không, thì không thấy có. Tôi đoán chữ dịch đó, quan Hoàng Giáp phải viết với bộ mã và nghĩa là trạm.
Mai dịch là một điển tích văn học, có thể xuất xứ từ bài thơ Lục Khải đời Hán tặng bạn với câu mở đầu Chiết mai phùng dịch sứ (Bẻ cành mai gặp người phu trạm). Thơ nôm đời Hồng Đức, bài Lãng ngâm, mục Nhàn ngâm chư phẩm thi, viết:
Mai dịch may sao tin kíp ruổi,Kẻo lòng người thế nhớ cùng mong.
Bài Tống Trung sứ Vũ Thích Chi, thơ chữ Hán Nguyễn Phi Khanh, cũng có câu:
Xuân lâm mai dịch sương đề cấp (Xuân tới trạm mai vó ngựa trong sương vội vã).
Trong một bài từ của Lục Du đời Tống có câu:
Mai dịch ngoại Liễu than biên Chích đãi trừ thư khán.
(Ngoài trạm maiRau ven nước Lẻ loi chờ đợi lười xem sách).
Cũng trong một bài từ khác của Phạm Thành Đại đời Tống:
Thiếu trú thuyền mai dịch.(Tạm ngụ thuyền nơi trạm mai).
Hán ngữ đại từ điển, chủ biên La Trúc Phong, chủ nhiệm Lưu Cảo, Tam liên thư cục, Hương cảng, 1990, quyển 4, tr. 1051, định nghĩa mai dịch là dịch sở đích nhã danh nghĩa là “tên tao nhã của trạm thông tin”.
Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên, đồng tác giả Hồng Đức quốc âm thi tập, nhà xuất bản Văn học, Hà nội, 1982, tr. 216, cho rằng mai dịch là lấy điển thời Hán Vũ Đế đặt nhà trạm ở núi Mai lĩnh.
Điển cố văn học, Đinh Gia Khánh chủ biên, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội, 1977 cũng ghi ở mục từ mai dịch như vậy.
Chủ trương mai dịch là điển lấy từ chuyện đặt điểm liên lạc vào thời Hán Vũ Đế hay điển rút từ câu thơ Lục Khải, vẫn nên hiểu và phải hiểu mai dịch là trạm thông tin. Chứ mai dịch không thể có nghĩa là dặm mai.
Vả lại hiểu là trạm thì bản thân câu thơ mới thích hợp với chỉnh thể bài thơ, thì chu cảnh ngôn ngữ của từ mai dịch mới minh bạch. Trong bài Dạ sơn miếu, hai câu luận phải đối nhau và Yên Đổ đối rất chỉnh:
– đối chữ: mai dịch đối với tùng lâm,
– đối từ loại: mai dịch và tùng lâm đều là danh từ,
– và nhất là đối ý: mai dịch khách lai đối với tùng lâm vũ quá.
Tất nhiên đây là hình thức đảo ngữ nên phải hiểu là khách lai mai dịch và vũ quá tùng lâm.
Kết luận: không thể dịch “Khách qua dặm mai đến, đàn công dạn người” mà phải dịch “Khách đến trạm mai, đàn công dạn người” để đối với “Mưa giội rừng thông, quạ chiều rét mướt”. (Bỏ chữ con trong con quạ nhằm lập lại tính đối ngẫu cho hai câu thơ). Và thế tất nhiên lời dịch thơ của Hoàng Tạo cũng phải bàn lại, vì không có chuyện …mai đưa khách lạ.
Chuyện lạ Bài Vấn Lưu thập cửu (Hỏi ông Lưu mười chín) của Bạch Cư Dị có câu chót: Năng ẩm nhất bôi vô nếu trực dịch sang tiếng Việt từng chữ thì thành: năng = nên, ẩm = uống, nhất = một, bôi = chén, vô = không.
Chữ Hán nguyên vốn không biết dùng dấu hỏi, tuy nhiên các bản in nguyên tác Trung văn ngày nay bằng chữ khối vuông như Đường thi tam bách thủ dịch giải, Trương Quốc Vinh trứ, hoặc Danh gia giám thưởng, Đường thi đại quan, Tiêu Địch Phi và ctv. biên soạn, v.v. đều có đánh dấu hỏi ở cuối câu, sau chữ vô. Đường thi tam bách thủ còn giải thích chữ vô như sau:
vô: nghi vấn ngữ từ, tương đáng vu “ma”, “ma”.(Tài liệu ghi hai chữ ma viết theo lối giản thể nhưng khác nhau).
Như thế, theo cách hiểu của người Trung hoa thì câu cuối nầy là một câu hỏi và chữ vô giữ vai trò một trợ từ nghi vấn tựa như chữ ma. Bạch Cư Dị hỏi (vấn) Lưu Thập cửu: “(Bạn nghĩ) có nên uống một chén không?”
Nhiều tác giả Âu Tây cũng hiểu như vậy, chẳng hạn:
Howard S. Levy. Translations from Po Chu-I’s collected works. Volume II. The regulated poems. Paragon Book Reprint Corp. New York. 1971. p.36: Can you with me drink a cup?
Innes Herdan. The three hundred T’ang poems. The Far East Book Co., Ltd., Taipei, Taiwan. 1973. p.400: Can you not drink a cup of wine with me?
Burton Watson. The Columbia Book of Chinese Poetry. From Early Times to the Thirteenth Century. Columbia University Press. New York. 1984. p.254: Could you drink a cup, I wonder?
Georgette Jaeger. Les lettrés chinois. Poètes T’ang et leur milieu. A la Baconnière. Neuchâtel. 1977. p.274: Voulez-vous venir boire un verre chez moi?
Cheng Wing fu et Hervé Collet. Po Chu Yi, un homme sans affaire. Moundarren. Millemont. 1988. p. 81: viendras-tu boire une coupe ou non?
Paul Jacob. Vacances du pouvoir. Poèmes des Tang. Gallimard (nrf ). Paris. 1983. p.107: Est-ce qu’on peut ou non vider un pot?
Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản chuyển câu nầy thành thơ: Mời ông uống một chén chơi chăng là.
Chỉ một mình Trần Trọng Kim trong Đường Thi, Đại Nam in lại, tr .344 là hiểu khác hẳn khi dịch câu liên hệ thành thơ: Uống chơi đã vậy, chén thì có đâu.
Câu thơ không chấm dứt bằng dấu hỏi, câu thơ không chất vấn, mà ở thể tán thán và là một mệnh đề khẳng định. Nó hiểu ý thơ Bạch Cư Dị nhất bôi vô là “không có chén để uống rượu” chứ không phải “có uống một chén rượu hay không” như “thiên hạ” hiểu.
Chuyện giải Báo Tuổi trẻ cười số Xuân Kỷ Mão 1999 xuất bản trong nước tổ chức cuộc thi Đùng một cái. “Tiểu phẩm” của tác giả Đỗ Thế Nghĩa (Hải phòng) được giải ba Giống cây trồng hiệu quả nhất đăng ở trang 18 và 19, nguyên văn như sau:
“A Kay nghèo, nghèo lắm. Nghèo bạc, nghèo tiền nhưng nhiệt huyết, lòng ham học hỏi thì A Kay lại rất giàu. Bởi vậy, khi nghe những cụm từ “Xoá đói giảm nghèo”, “Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng”, A Kay lập tức lên đường để tìm hiểu thực tế. Nơi đầu tiên A Kay tới là một vùng đồi núi trung du… trọc lóc.
Trên một quả đồi, A Kay gặp một bác nông dân đang trồng cây, anh bèn lại gần hỏi:
– Bác đang trồng cây gì vậy?
– Trồng cọ! – Bác nông dân đáp.
– Trồng cọ? – A Kay kêu lên ngạc nhiên
– Trung du thì thiếu gì cọ?!
– Chú mày không biết đấy thôi! – Bác nông dân nói – Hồi xưa, nơi đây là một đồi cọ xanh mướt nhưng đùng một cái, các nhà hoạch định chiến lược của tỉnh tôi bảo: “Trồng cọ không giàu được! Phá! Trồng cà phê!”. Thế là chúng tôi phá rừng, trồng cà phê. Cà phê không sống được trên đất này, nên lãnh đạo lại xoay hướng khác: “Cà phê chết thì trồng… chuối! Đông Âu bây giờ đang nhập chuối!”. Chuối thì không chết như cà phê, phải mỗi tội không có… quả, chỉ làm được thức ăn độn cho lợn, lại phải phá… Đồi cọ đang đẹp biến thành đất hoang chó ị, phí quá!… Chúng tôi lại trồng cọ lại vậy.
A Kay lắc đầu bỏ đi. Tới một vùng đất phương Nam trù phú, A Kay bắt gặp một đàn bò đang gặm mía. Nghĩ tội cho chủ vườn, A Kay bèn xông tới xua lũ bò đi. Chủ nhà ở đâu chạy ra, cự cho A Kay một trận:
– Sao chú dzám đuổi bò tui?
– Dạ! Em thấy bò đang phá mía, tiếc quá nên mới…
Chủ vườn lăn ra cười ngất:
– Mía!…Mía!… Làm củi còn không xuể, sá chi mấy cọng bò ăn…
Thấy A Kay ngơ ngác, ông ta giải thích:
– Xưa kia ở đây là ruộng lúa. Đùng một cái, mấy thằng cha hoạch định gì đó kêu tụi tui phá đi trồng điều. Được vài năm, giá điều rớt thảm hại, bọn họ lại xui tụi tui phá điều trồng cái chi kêu như là “vùng qui hoạch mía” ấy! Bây giờ mía lại chết nhăn răng… Thôi thì phá! Sang năm tui lại trồng lúa, ít nhất còn có cái bỏ vô nồi…
A Kay không buồn nghe hết, bỏ đi. Tới một vùng núi phía Bắc, A Kay gặp một lão nông vừa đốt rẫy vừa khóc hu hu. Thương cảm, A Kay lại gần khuyên nhủ:
– Bác à! Có chuyện gì buồn xin bác nén lại, kẻo đốt rẫy đốt luôn cả rừng bây giờ!
– Lão có đốt rẫy đâu! Lão đốt mùa màng của lão đấy chứ.
– !?!
– Trước, đây vốn là nương thuốc phiện. Lãnh đạo tỉnh lão chỉ đạo: “Phá!” Đồng ý! Nhưng phải kiếm cho lão thứ cây khác chứ! Thế là họ mang về cho lão giống cải dầu, bảo là có lời không thua thuốc phiện. Thế rồi, bao công lao bỏ ra, cải dầu đang lên xanh tốt thì đùng một cái, họ bảo: “Cải dầu cũng là ma túy! Phá!”
…Nghe đến đây, A Kay ôm mặt hu hu khóc. Lão nông vỗ về:
– Thôi ! Đừng buồn con ạ! Lão nghe nói ở thành phố, người ta đang trồng một loại cây cho mức lời rất cao, hay là ta với con về đó học tập kinh nghiệm?!
– Cây gì vậy hả bác? – A Kay lau nước mắt, hỏi.
– Cây vàng! Trồng trong khu quy hoạch!”
Thật chẳng còn gì đáng bàn thêm. Có điều A Kay chỉ dám động đến cái gọi là “lãnh đạo tỉnh” hay “các nhà hoạch định chiến lược của tỉnh” chứ không dám chơi trèo, động đến các đỉnh cao trí tuệ. A Kay và lão nông cũng không biết rằng cây cải dầu không phải là ma túy. Cây gai dầu, còn gọi là cần sa, cho haschich, marijuana, mới là ma túy. Còn cải dầu là rape (tiếng Anh), colza (tiếng Pháp), raps (tiếng Đức) là một cây vô tội, không thuộc loài độc dược.
(1) Theo Nguyễn Quảng Tuân. Thơ Đường, Tản Đà dịch. Nhà Xuất bản Trẻ. TP HCM. 1989. tr.194.
(2) Hoang-Xuan-Nhi. Plaintes d’une Chinh-phou. Femme dont le mari part pour la Guerre. Editions Stock. Paris. p.33, p.59.
(3) Khổng Tử san định. Thi Kinh tập truyện. Dịch giả Tạ Quang Phát. Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu xuất bản. Sàigòn. 1969. tr.512-514.