3. Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào ?
Cao Tuấn
Phần thứ ba
Ý kiến về một giải pháp hòa bình trường cửu cho Ukraine
Ngưng chiến không nhất thiết dẫn đến một giải pháp hòa bình trường cửu cho Ukraine. Một giải pháp kết thúc chiến tranh Nga-Ukraine, bảo đảm hòa bình lâu dài cho Ukraine chỉ có thể trở thành sự thật nếu cả ba nước Mỹ, Nga và Ukraine đều muốn giải quyết mâu thuẫn bằng thương thuyết và tương nhượng. Quan trọng nhất là Mỹ và Nga nhưng Mỹ, ở thế mạnh hơn, phải đi bước đầu tiên trên con đường có tên là “chung sống hòa bình” ở lục địa Châu Âu.
Một giải pháp kết thúc chiến tranh Nga-Ukraine, bảo đảm hòa bình lâu dài cho Ukraine chỉ có thể trở thành sự thật nếu cả ba nước Mỹ, Nga và Ukraine đều muốn
“Chung sống hòa bình ở Châu Âu” phải xem là một Sách Lược của nước Mỹ để đối phó với “Trung Hoa Mộng” của Tập Cận Bình
Để đi bước đầu tiên này, trước hết Mỹ phải tự thuyết phục một số điểm căn bản :
1. Muốn làm Nga kiệt quệ phải rút quân khỏi Ukraine, Mỹ sẽ phải trả giá rất đắt về thời gian, tiền bạc cũng như những khó khăn ngay trong nội bộ nước Mỹ mà kết quả cũng không có gì chắc chắn.
Không có gì chắc chắn Putin sẽ bị lật đổ ngay cả cuộc phiêu lưu ở Ukraine của Putin thất bại.
Ngay cả Putin bị lật đổ cũng không có gì chắc chắn nước Nga sẽ không có một Putin khác – vẫn “dân tộc chủ nghĩa quá khích” chưa kể còn có thể cộng thêm “phục thù chủ nghĩa” cũng quá khích không kém.
Hoặc sẽ có một nước Nga tan vỡ làm rối loạn cả Châu Âu và kho vũ khí nguyên tử của Nga lại lọt vào tay Tàu, Iran hay Bắc Hàn ? Hoặc kho vũ khí nguyên tử ấy bị chia 5 xẻ 7 và một phần lại rơi vào tay các nhóm khủng bố quốc tế tử thù của Mỹ ?
2. Nếu bị dồn đến thế cùng quẫn trong cuộc chiến Ukraine, không còn gì để mất, Nga có thể dùng đến vũ khí hạt nhân. Hoặc Nga đành phải… “bán mình” cho Tàu. Cả hai trường hợp đều là tai họa lớn lao đối với Mỹ.
3. Mỹ nên bắt tay giải hòa với Nga ở Châu Âu để có thể tập trung sức mạnh và tâm trí để đối phó với Tàu ở Châu Á. Đụng độ với Nga ở Châu Âu là chuyện thứ yếu, dàn xếp được. Đụng độ với Tàu ở Châu Á là chuyện trọng yếu, cấp bách và “bất khả thoái lui” nếu Mỹ muốn bảo vệ vị thế đệ nhất siêu cường.
4. Tiến trình hòa giải Mỹ-Nga nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Cuộc chiến Ukraine càng đẫm máu, càng khó giải hòa. Khi leo thang tới việc sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật thì càng khó xuống thang. Càng gần cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ sắp tới, đương kim Tổng thống Biden càng thiếu tự do hành động, càng bị nhiều áp lực. Nga càng “lậm” với Tàu bao nhiêu càng khó gỡ bấy nhiêu. “Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ” !
5. Mỹ sẽ phải làm một số nhượng bộ với Nga – đối thủ của Mỹ và đối thủ của đồng minh của Mỹ – nhưng là “nhượng bộ có nguyên tắc”. Chẳng hạn không làm suy yếu NATO, không làm các nước Đồng Minh của Mỹ bất mãn hay mất tinh thần, không vi phạm đạo lý, luật pháp quốc tế, không bán rẻ, không phản bội Ukraine (như Mỹ đã làm với Việt Nam Cộng Hòa, với chính quyền Afghanistan !).
6. Mỹ không cần và không nên trình bầy trước công luận “nước cờ mới” có mục đích “trói tay” Tàu ở Châu Á mà chỉ cần và chỉ nên nhấn mạnh sáng kiến chiến lược này cần thiết cho “hòa bình, ổn định, thịnh vượng của Ukraine, của Châu Âu và của toàn thế giới”.
7. Sẽ có ít nhất ba hiệp định hòa bình. Một giữa Nga và Ukraine. Một giữa Nga và NATO. Một giữa NATO + Liên Âu và Ukraine. Hội nghị hòa bình có thể diễn ra chính thức ở một quốc gia trung lập “tương đối” nhưng có trọng lượng như Ấn Độ chẳng hạn. Tuy nhiên, những nét chính của nội dung nên được thảo luận trước và riêng tư giữa đặc sứ của Biden với Putin, tương tự như Henry Kissinger, đặc sứ của Nixon, đã làm trong sứ mạng bí mật tại Bắc Kinh năm 1971. Biden có thể bay đến Moscow họp thượng đỉnh với Putin, theo lời mời của Putin như trường hợp Nixon gặp Mao năm 1972. Hoặc Biden gặp Putin ở một nước trung lập. Lý do công khai là để tránh một cuộc chiến tranh nguyên tử làm nổ tung trái đất ! Mà có lẽ cũng đúng là như thế.
8. Kế tiếp là các buổi họp riêng của Mỹ với Ukraine, Mỹ với các nước NATO và Châu Âu quan trọng nhất như Anh, Pháp, Đức và những quốc gia đã và đang giúp đỡ nhiều nhất cho Ukraine chống Nga như Ba Lan, Tiệp Khắc, các nước vùng Baltic… Các buổi họp này nhằm “đả thông tư tưởng, tìm sự đồng thuận nếu có thể” đồng thời chứng tỏ Mỹ tôn trọng đồng minh.
9. Mỹ có quyền có lập trường không hoàn toàn đồng nhất với các đồng minh Châu Âu trong việc hòa giải với Nga. Các nước Châu Âu nếu quá lo ngại về Nga thì phải tự làm mạnh hơn về quân sự quốc phòng của mình thay vì trông cậy quá nhiều vào “dù che” của Mỹ. Nếu Mỹ có “nghĩa vụ” sát cánh với các đồng minh Châu Âu để đối phó với Nga thì các đồng minh Châu Âu cũng có “nghĩa vụ” sát cánh với Mỹ để đối phó với Tàu ở Châu Á, bảo vệ các giá trị Dân Chủ, Tự Do và vị thế của khối Tây Phương nói chung thay vì tính chuyện xé lẻ để làm ăn với Tàu.
10. Hiệp định hòa bình cho Ukraine nói riêng và cho Châu Âu nói chung chỉ “có lý” (make senses) và sẽ được tôn trọng nếu Nga, Ukraine, Mỹ, dù phải tương nhượng nhau, đều cảm thấy “được” nhiều hơn “mất”, hoặc không có lựa chọn nào tốt hơn, hoặc ít nhất cũng thấy hòa giải có lợi về lâu dài hơn là tiếp tục cuộc xung đột.
11. Sau khi đã ký Hiệp định Hòa bình, Mỹ nên có chính sách giúp Nga và Ukraine đẩy nhanh tiến trình hòa giải, bình thường hóa các quan hệ song phương để Ukraine trở thành “cầu nối” thân hữu giữa các nước Châu Âu và Nga, một biểu tượng của sống chung hòa bình thay vì là một lò lửa chiến tranh hay một vùng tranh chấp liên miên không dứt. Sự hòa giải giữa Ukraine và Nga cũng giúp sự hòa hợp và ổn định ngay trong xã hội Ukraine, đặc biệt giữa miền Đông Ukraine ít nhiều chịu ảnh hưởng Nga do các yếu tố địa lý, lịch sử, chủng tộc, ngôn ngữ, kinh tế, khuynh hướng chính trị và miền Tây Ukraine thiên về các nước dân chủ Châu Âu cũng vì những lý do tương tự. Ukraine cần có một chính sách đối nội và đối ngoại thật khôn ngoan để có thể tồn tại, phát triển trong hòa bình, độc lập.
12. Mỹ không nên kỳ vọng Nga lập tức thay đổi chính sách 180 độ, từ “thân Tàu” chuyển sang “thân Mỹ”. Hòa giải Mỹ-Nga có nghĩa Nga-Mỹ không còn coi nhau là kẻ thù, Nga sẽ đứng trung lập đối với cuộc tranh chấp Mỹ-Tàu. Chỉ như thế đã là một thắng lợi lớn của Mỹ. Thay vì MỘT chống HAI, chỉ còn MỘT chống MỘT. Mỹ không còn phải “lưỡng đầu thọ địch”, ở cả hai mặt trận Châu Âu và Châu Á. 80 tỉ đô la/một năm, một tổn phí cực lớn mà Mỹ đang “phí phạm” trong cuộc chiến Ukraine, có thể được sử dụng một cách hữu ích trong việc giúp Đài Loan gia tăng khả năng phòng thủ cũng như củng cố thế trận của Mỹ ở trong toàn miền Đông Á.
13. Mỹ có thể kỳ vọng rằng nếu Nga cảm thấy được Mỹ và các đồng minh Châu Âu không những đã hết thù nghịch mà còn đối xử “tốt” (chẳng hạn như sốt sắng đầu tư giúp Nga phát triển vùng Tây Bá Lợi Á tiếp giáp với Tàu) thì Nga có thể nghiêng dần về phía Mỹ. Vì sẽ sớm đến lúc Nga hiểu đầy đủ rằng Mỹ cách Nga đại dương mênh mông, thù oán cũ đều có thể bỏ qua, nhưng Tàu sát bên, chung biên giới rất dài mà Tàu đang lúc hùng mạnh và đang chuẩn bị cướp thời cơ, toan tính giải quyết nợ nần, ân oán địa lý, lịch sử của “một trăm năm quốc nhục”. Toan tính “thu hồi” Đài Loan, Việt Nam, Cao Ly, Mông Cổ, vốn là các “vùng đất cũ của… Thiên Triều”. Tiến từ “trị quốc” đến “bình thiên hạ”. Dựng Pax Sinica (“thế giới hòa bình kiểu Tàu”) thay thế Pax Americana (“thế giới hòa bình kiểu Mỹ”). Nga không những sẽ phải trả lại mấy triệu cây số vuông lãnh thổ đã lấy của Tàu trong các thế kỷ trước, từ Ngoại Mông đến bắc Mãn Châu, phải từ bỏ các địa điểm chiến lược, các bán đảo và hải đảo trên Thái Bình Dương mà có thể còn mất thêm cả vùng Tây Bá Lợi Á rất nhiều tài nguyên mà Nga không đủ sức bảo vệ. Tóm tắt, nếu “Trung Hoa Mộng” của Tập Cận Bình trở thành sự thực, Mỹ sẽ mất quy chế siêu cường nhưng Nga thì… mất nước !
14. Nếu Nga nghiêng về Mỹ hay Mỹ-Nga chính thức lập liên minh, MỘT chống HAI trở thành HAI chống MỘT, Tàu lập tức phải lo thêm mặt Bắc.
Lo vũ khí hạch tâm của Nga bao trùm cả nước Tàu mà không cần đến hỏa tiễn liên lục địa. Lo hỏa tiễn hạch tâm tầm trung của Nga đủ sức “vươn tới” Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân, Thẩm Dương, Đại Liên, Bắc Kinh, Thái Nguyên, Thiên Tân, Thượng Hải, Vũ Hán, Thành Đô, Trùng Khánh…
Lo hàng triệu quân Nga hờm sẵn biên giới.
Đến lượt chính Tàu rơi vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, không còn là Mỹ.
Tàu sẽ phải đổi thế trận. Phải phân chia lực lượng đối phó.
Mặt Bắc phải đối phó với sức mạnh của Nga.
Mặt Đông phải đối phó lực lượng của Mỹ – đang túc trực gần eo biển Đài Loan, tại Nhật Bản, Nam Hàn và quần đảo Phi Luật Tân – được tăng cường sau khi Mỹ và NATO không còn phải vướng vào cuộc chiến tiêu hao với Nga ở Châu Âu.
Đài Loan, Biển Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á sẽ được bảo vệ tốt hơn. Toàn vùng Đông Á có thể kịp thời chuyển NGUY thành AN.
Một thế thăng bằng chiến lược mới rất có lợi cho Mỹ và đặt nước Tàu của Tập Cận Bình vào thế phải chịu bó tay. Nước Tàu của Tập Cận Bình phải chịu bó tay cũng đồng nghĩa với hòa bình, ổn định ở Châu Á và trên toàn thế giới.
Gợi ý một số điều khoản chính của các Hiệp định Hòa bình 2023 tại Châu Âu
Trở lại câu hỏi chính “Chiến tranh Nga – Ukraine sẽ kết thúc thế nào ?”
Không ai biết chắc được tương lai nên chỉ có thể trả lời rằng nên có một giải pháp hòa bình ở Ukraine nói riêng và ở Châu Âu nói chung, một giải pháp mà ngay cả Tàu muốn phản đối cũng không có lý do để phản đối.
Như đã nói ở trên, giải pháp hòa bình đề nghị gồm các điều khoản của ít nhất 3 hiệp định. Một hiệp định giữa NATO và Nga. Một hiệp định giữa Ukraine và Nga. Một hiệp định giữa NATO+Liên Âu và Ukraine. Cả 3 hiệp định, họp thành toàn thể một giải pháp hòa bình, cần được ký cùng lúc, song song mới đầy đủ ý nghĩa. (Không có gì ngăn cản Mỹ và các đồng minh Châu Âu của Mỹ ký các thỏa ước riêng song phương khác với Nga hay với nhau miễn là không đi ngược với các điều khoản của 3 hiệp định trên).
Căn cứ trên những điểm đã phân tích, hiệp định hòa bình giữa NATO và Nga nên gồm những điều khoản sau đây :
1. Hai bên bầy tỏ ý chí “sống chung hòa bình”, giải quyết mâu thuẫn, khác biệt bằng đối thoại, thương thuyết, tương nhượng, tránh va chạm, tránh khiêu khích, tránh chiến tranh bằng mọi cách. Hai bên cũng cam kết tôn trọng nguyên tắc bất can thiệp vào nội bộ của nhau.
2. NATO xác nhận sau khi Phần Lan, Thụy Điển hoàn tất thủ tục gia nhập sẽ không nhận thêm bất cứ thành viên mới nào khác.
3. Hai bên cam kết thâu hồi hay chấm dứt tất cả các biện pháp thù nghịch, bất thân thiện đối với nhau kể cả các chế tài, cấm vận, trừng phạt, trả đũa cũ hay mới ; cam kết bình thường hóa quan hệ về mọi mặt chính trị ngoại giao, kinh tế tài chánh, văn hóa xã hội ; cam kết thay thế kỷ nguyên đối đầu bằng kỷ nguyên hợp tác cho sự nghiệp hòa bình, thịnh vượng, thân hữu, cởi mở cho tất cả các quốc gia Châu Âu và cho toàn thế giới.
Hiệp định hòa bình giữa Nga và Ukraine nên có những điều khoản sau đây :
1. Ngưng bắn tại chỗ trước khi thương thuyết bắt đầu. Nga thực hiện việc rút quân nhanh chóng ngay sau khi Hiệp định được ký kết. Hai bên cũng nhanh chóng xúc tiến việc trao trả tù binh chiến tranh.
2. Ukraine cam kết theo đuổi chính sách trung lập thực sự, không gia nhập bất cứ một liên minh quân sự nào kể cả NATO. Thụy sĩ và Áo là hai mẫu mực trung lập mà Ukraine sẽ rút kinh nghiệm để áp dụng cho mình một cách thích nghi. Nga cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập và chính sách trung lập của Ukraine. Hai bên cũng cam kết không can thiệp vào nội bộ của nhau.
3. Nga và Ukraine đồng ý cùng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới tại vùng Crimea với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để người dân địa phương này quyết định Crimea là một nước độc lập, hoặc Crimea thuộc về Nga hoặc Crimea thuộc về Ukraine. Nga và Ukraine cam kết tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tự do và công bằng này.
4. Vùng Donbas gồm hai tỉnh Luhansk và Donetsk và phụ cận, nơi có dân số gốc Ukraine và gốc Nga suýt soát nhau, vẫn thuộc về Ukraine tuy nhiên Ukraine cam kết Donbas sẽ được hưởng qui chế tự trị rộng rãi như trường hợp tỉnh Quebec của Canada, cam kết bảo đảm tự do, bình đẳng cho mọi cư dân, nghiêm cấm mọi đối xử kỳ thị vì khuynh hướng chính tri, tiếng nói, sắc tộc, cam kết thi hành chính sách hòa hợp, hòa giải trong xã hội tại Donbas và trên toàn cõi Ukraine.
5. Ukraine và Nga đồng ý tái lập ngoại giao, bình thường hóa mọi quan hệ, hợp tác thân hữu để cùng tiến bộ trên căn bản “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Ukraine hoan nghênh mọi nỗ lực của Nga đóng góp vô điều kiện vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt tại vùng Donbas nhưng không chỉ giới hạn tại vùng Donbas.
Hiệp định Tái thiết và phát triển giữa NATO, Liên Âu và Ukraine đúng như danh xưng có mục đích vừa khuyến khích Ukraine chấp nhận giảng hòa với Nga, vừa bù đắp những tàn phá, thiệt hại xương máu mà Ukraine phải gánh chịu khi can đảm “đứng mũi chịu sào” đương đầu với Nga, vừa giúp củng cố Ukraine thành một quốc gia “tiền phương” mạnh cả về quân sự và kinh tế, đủ sức tự bảo vệ đối với bất cứ thách thức nào trong tương lai. Hiệp định này nên gồm các điều khoản như sau :
1. Ukraine đặc cách được mời gia nhập Liên Âu với tư cách thành viên không phải qua những thủ tục thông thường.
2. Các quốc gia thành viên Liên Âu, NATO cam kết đóng góp 100 tỉ Euros vào quỹ tái thiết Ukraine. Mỹ với tư cách là một thành viên trụ cột của NATO cam kết đóng 50% số này. Ngân khoản viện trợ sẽ được trao cho Ukraine trong vòng 5 năm, mỗi năm 20 tỉ Euros. Ngoài ra mỗi nước thành viên cũng cam kết dành cho Ukraine mọi sự ưu đãi trong tương lai, khi có thể.
3. Mặc dù theo chính sách trung lập, luôn luôn mong muốn hòa bình, Ukraine sẽ xây dựng một nền tảng quân sự quốc phòng đủ mạnh để tự bảo vệ và dành quyền nhận sự trợ giúp từ bất cứ ai, kể cả NATO cho mục đích này.
Được gì, mất gì ?
Nói chung hòa bình tốt hơn chiến tranh. Tốt cho Châu Âu. Tốt cho Châu Á. Tốt cho cả thế giới. Tốt cả cho nhân dân Tàu ở cả 2 bên bờ eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, không chắc tốt cho Đảng cộng sản Tàu vốn theo chủ trương của Mao : “thiên hạ đại loạn Trung Quốc được nhờ”.
Đối với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine còn đang tiếp diễn, bài tiểu luận này đã phân tích chính trị của “thế chân vạc” và đã kết luận “chung sống hòa bình ở Châu Âu” là giải pháp tốt nhất cho Mỹ và Nga vì “cái được” vượt xa “cái mất” hoặc vượt xa “cái sẽ mất”.
Riêng với Ukraine, nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, đang chịu bao nhiêu tang tóc và đổ nát khó có thể nói giải pháp hòa bình như phác họa là công bằng và xứng đáng với sự chiến đấu anh dũng của quân dân Ukraine. Đấy là chưa kể đến triển vọng Ukraine còn phải chịu mất vùng Crimea một cách vĩnh viễn sau khi người dân ở đây, đại đa số gốc Nga, trong cuộc trưng cầu dân ý tương lai dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, vẫn tỏ ý muốn Crimea thuộc về Nga.
Tuy nhiên, người Ukraine, một lần nữa, cũng cần can đảm và sáng suốt nhận định thời cuộc một cách thực tế, tự đặt những câu hỏi và tự trả lời, chẳng hạn như : Cần bao nhiêu năm nữa để Ukraine đánh bại Nga nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, vì Mỹ đã quyết định “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo” hoặc vì chính trị nội bộ của nước Mỹ đã làm gió đổi chiều ? Và Ukraine sẽ đơn độc tiếp tục cuộc chiến với giá “núi xương, sông máu nào” ? Crimea là tiêu sản hay tích sản của Ukraine nếu người dân Crimea vì các lý do lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế thực sự muốn Crimea ly khai Ukraine để trở về Nga ? Ukraine nên “giữ người ở hay giữ người đi ?” Và sau cùng : trong hoàn cảnh của Ukraine, ở thời điểm lịch sử đặc biệt khó khăn này, phải chăng giải pháp hòa bình “đỡ xấu nhất” đành phải coi là tốt nhất ?
Cao Tuấn
(15/04/2023)